HƯỞNG ỨNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM – 28/6/2023

CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC – QUỐC GIA THỊNH VƯỢNG”

     Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và là trách nhiệm của mỗi công dân. Mặt khác, xây dựng gia đình phát triển cũng chính là cách để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết cách chăm sóc và bảo vệ gia đình; tạo nên không khí vui vẻ khiến mọi thành viên đều cảm thấy hạnh phúc. Trải qua biết bao thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng nên bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đều đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo lời Bác ngày 28 tháng 6 năm 2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấy uỷ Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vào ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, với mục đích đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Qua các thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, thế nhưng chức năng cơ bản của gia đình nhưng vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố hết sức quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Có thể nói rằng gia đình là đơn vị kinh tế – xã hội, là nơi sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội và cũng là nơi sản sinh ra con người, tái sản xuất sức lao động; là tổ ấm đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của mỗi con người. Đó không chỉ là mối quan tâm, không phải là việc nghiên cứu của một số nhà khoa học mà là sự quan tâm của cả một thiết chế xã hội. Cho đến ngày nay gia đình không còn là vấn đề cá biệt, riêng lẻ nữa, mà nó đã trở thành vấn đề chung của quốc gia và quốc tế vì “Gia đình hạnh phúc” thì “Quốc gia thịnh vượng”.

     Để hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”, mỗi người hãy tổ chức sum họp gia đình, tổ chức liên hoan gặp mặt các thành viên trong gia đình để có thể ôn lại truyền thống nề nếp gia phong là điều cần thiết và ý nghĩa hơn bao giờ hết, qua đó gắn chặt tình cảm các thành viên với nhau, từng bước đưa “Ngày gia đình” vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam.

Trường THCS Mạc Đĩnh Chi 

Bài viết liên quan: