Gia đình là tế bào của xã hội, nơi lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về gia đình và xây dựng gia đình phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục nhiệm vụ xây dựng và củng cố gia đình bằng nhiều giải pháp, trong đó có thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ngày càng phát triển và có hiệu quả, góp phần tích cực để củng cố, hoàn thiện gia đình hiện nay.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế gia đình (15/5), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2024 với 2 chủ đề cụ thể:
– Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Gia đình (15/5), Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 theo chủ đề: “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”.
– Tổ chức hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình theo chủ đề: “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”.
– Thông điệp và khẩu hiệu tuyên truyền như sau:
+ Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng;
+ Gia đình: Điểm xuất phát và đích đến của chính sách;
+ Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững;
+ Hệ giá trị gia đình là hạt nhân của hệ giá trị quốc gia;
+ Gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao quyền các giá trị văn hóa tốt đẹp;
+ Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình;
+ Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội;
+ Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững;
+ Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình;
+ Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật;
+ Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm;
+ Bạo lực là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc ly hôn hiện nay;
+ Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi bạo lực gia đình;
+ Bỏ mặc, không chăm sóc là hành vi bạo lực đối với người cao tuổi;
+ Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Việt Nam đã và đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Trong sự nghiệp chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của từng gia đình. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách của mỗi cá nhân, nhất là thanh thiếu niên. Con người cần phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, cần có sự kết hợp giữa những giá trị của gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Nếp sống của gia đình truyền thống đòi hỏi mỗi người phải đặt tình cảm lên trên hết, con cháu có hiếu với cha mẹ, ông bà, kính trên nhường dưới; bên trong luôn đoàn tụ, thuỷ chung; bên ngoài luôn nhân hậu với người xung quanh, hàng xóm láng giềng… Với gia đình hiện đại, mọi người sống hoà thuận, bình đẳng dân chủ: vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em cùng bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng, đồng thời tôn trọng những sở thích riêng chính đáng của nhau. Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm lo việc học tập và sự trưởng thành lành mạnh của con cả về thể chất và tinh thần. Đây là một nhận thức, một phương hướng lớn quan trọng và chính xác trong xây dựng gia đình mới, góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị xã hội và phát triển đất nước.
Để xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay, phải ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, mạnh dạn lựa chọn và xử lý đúng đắn những yếu tố mới nảy sinh, trong đó quan trọng là tiếp thu có chọn lọc những nội dung tiến bộ của thời đại phù hợp với truyền thống, văn hoá dân tộc và sự phát triển của xã hội. Thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật về dân số, duy trì mức sinh hợp lý, quy mô gia đình ít con. Làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, giảm mạnh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường lành mạnh đẻ trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực gia đình. Đẩy mạnh việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ, chức năng trong gia đình và xã hội.
Ngày 1/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.
Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định rõ các hành vi bạo lực gia đình cho từng trường hợp cụ thể; quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; đơn vị có trách nhiệm giải quyết của cơ quan chức năng; quy trình thực hiện biện pháp cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc với nạn nhân; cơ chế tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình…Trong đó, các hành vi bạo lực gia đình được quy định rất chi tiết trong 4 điều khoản (từ Điều 2 đến Điều 5) áp dụng cho 4 trường hợp có quan hệ gia đình mà Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa nêu cụ thể.
Bắt đầu từ năm 2024, các hành vi bạo lực gia đình đã được xác định trong từng trường hợp cụ thể, làm căn cứ xử lý hành vi này và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Trường THCS Mạc Đĩnh Chi