Tiểu sử cụ Mạc Đĩnh Chi

MẠC ĐĨNH CHI – LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sinh ngày mùng 6 tháng 7 năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Phù triều vua Trần Thánh Tôn (1272), tên chữ là Tiết Phu, vốn người Lan Khê, huyện Bình Hà, châu Nam Sách, Lộ Lạng Giang, sau đó dời đến làng Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Với tư chất thông minh, ham học nên năm lên 6 tuổi, Mạc Đĩnh Chi xin mẹ đi học. Thấy con ít tuổi mà có chí, bà cụ mừng rỡ sắm sửa cho đi. Bấy giờ có Chiêu Quốc công Thái Tử nhà Trần mở trường dạy học ở làng bên cạnh. Học trò thấy đứa bé ít tuổi mà xấu xí đều chê, duy Chiêu Quốc công biết là đứa bé phi thường. Không bao lâu, Mạc Đĩnh Chi  học vượt cả trường, nghe một biết mười, học đâu nhớ đấy, cả vùng đều cho là thần đồng. Chiêu Quốc công càng yêu quý muốn nuôi cho ăn học ở luôn trong nhà để làm bạn đèn sách với các con của mình, nhưng Mạc Đĩnh Chi là người con rất hiếu thảo, xong buổi học lại về nhà giúp đỡ mẹ không chịu ở lại trường.

Mạc Đĩnh Chi sớm mồ côi cha, nhà nghèo, mẹ thường đi nhặt củi bán lấy tiền đong gạo nuôi con. Thấy mẹ vất vả vì mình nên ông thường lo nghĩ buồn phiền, mặt không mấy lúc tươi tỉnh. Chiêu Quốc công lấy làm lạ một hôm cho gọi vào nhà trong nói chuyện. Mạc Đĩnh Chi  thưa rõ chân tình, Quốc Công động lòng thương cảm liền bàn với phu nhân cho đón cả hai mẹ con về nuôi.

Từ đó Mạc Đĩnh Chi ăn học ở nhà Chiêu Quốc công, văn chương lừng lẫy khắp vùng Hải Dương, được Quốc Công coi như là con đẻ. Mạc Đĩnh Chi tỏ lòng biết ơn, hết đạo thờ thầy sớm khuya hầu hạ chẳng khác gì cha nuôi. Thấm thoát ông đã 15 tuổi, học hành một ngày một tăng tiến, năm sau bắt đầu ứng thi khảo hạch lúc nào cũng đỗ đầu, tài khoa cử của Mạc Đĩnh Chi ngay từ lúc thiếu thời đã phát đạt tấn tới như thế.


(Hình ảnh tượng Mạc Đĩnh Chi)

Năm Giáp Thìn niên hiệu thứ hai đời nhà Trần (1293) Mạc Đĩnh Chi thi đậu Hội nguyên. Khi vào Đình đối, vua thấy ông tướng mạo xấu xí không muốn cho đậu Trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi biết ý, nhân đầu bài “Ngọc tỉnh liên phú”, ông bèn làm bài phú tự ví mình như một cây sen trong giếng ngọc. Vua Anh Tông xem xong, khen là thiên tài mới cho đậu trạng nguyên, ban cờ biển vinh quy, năm ấy ông vừa đúng 20 tuổi. Với tài ứng đối, khi yến kiến nhà vua, vua Anh Tông rất đẹp lòng ban chức Hàn lâm đại học sĩ.

Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang nhà Nguyên và đã không hổ danh là một tân trạng nguyên của Đại Việt với khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn tự hào dân tộc; đối đáp giỏi, được nhà Nguyên phục, vua Nguyên phong Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Tại đây, Mạc Đĩnh Chi đã tiếp sứ Cao Ly đang ở Trung Quốc và ở nước Cao Ly, thăm nhà cũ của Đào Tiềm và làm một số bài thơ: Phiến minh, Tảo hành, Văn cảnh, Văn tế công chúa…

Với tư chất thanh liêm, chính trực, dưới triều vua Trần Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi được thăng chức Nhập Nội Hành khiển. Về sau, ông được thăng đến Đại Liên ban Tả Bộc xạ, tương đương chức Tể tướng.

Năm Đại Khánh triều vua Trần Minh Tông (1314-1323), Vua nhà Nguyên sai sứ sang phong Vương cho nhà vua, Mạc Đĩnh Chi được cử làm chánh sứ sang nhà Nguyên đáp lễ.

Tại Yên Kinh với tài ứng đối thông minh, sắc xảo khiến các quan lại nhà nguyên phục tài. Vua Nguyên hết sức ngợi khen cho là bậc kỳ tài, lúc về ban thưởng rất hậu nhưng ông nhất mực từ chối không nhận một thứ gì, chỉ xin lấy lá cờ thêu bốn chữ “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.

Mạc Đĩnh Chi làm quan và hoạt động dưới 3 triều vua nhà Trần, vua Trần Anh Tông (1293-1314), vua Trần Minh Tông (1314-1329), vua Trần Hiến Tông (1329-1341).

Mạc Đĩnh Chi sinh được con trai là Mạc Dao, thi đậu Hương Cống làm quan đến chức Viên ngoại lang, đời vua Trần Dụ Tông.

Khoảng năm Khai Hựu thứ mười triều vua Hiến Tông (1339) Mạc Đĩnh Chi dâng sớ xin về hưu. Vua nghĩ ông là bậc quan thanh liêm, bậc sứ thần mẫn tiệp, bậc quốc lão nguyên huân, sống giản dị, lạc quan, mang hết tâm lực và trách nhiệm của mình để phục vụ đất nước, lại là thầy học nên không muốn xa, nhưng Mạc Đĩnh Chi cố xin. Vua Hiến Tông phải chuẩn tấu, tặng phong hầu tước và ban thưởng rất nhiều, đồng thời sai sứ tiễn ông về đến tận làng, các quan văn võ trong triều đều đến đưa tiễn, ai cũng tỏ tình ái mộ.

Năm Nhâm Ngọ 1342 Mạc Đĩnh Chi về làng dựng am ở dưới núi Phượng Hoàng huyện Chí Linh, ngày ngày uống rượu ngâm thơ. Thơ của ông truyền lại rất nhiều, nay chỉ còn ít bài chép trong bộ “Hoàng Việt văn tuyển”. Năm Thiệu Phong thứ sáu (1346) Mạc Đĩnh Chi lâm bệnh và qua đời ngày 10 tháng 02 năm Bính Tuất.

Vua Dụ Tông (1341-1369) hay tin Mạc Đĩnh Chi tạ thế vô cùng thương tiếc, sai các quan về dự tế, phong ông làm Phúc Thần, cấp 500 quan tiền cho dân sở tại dựng đền thờ, tục gọi đền Quan Trạng và sắc phong ông làm Thành Hoàng.

Sau này, khi Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) lên ngôi Hoàng đế có truy tôn Mạc Đĩnh Chi là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.

Đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi hiện nay tại thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1992 Nhà nước ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Hàng năm vào ngày 10 tháng 2 âm lịch các chi tộc họ Mạc từ mọi miền đất nước trở về thôn Long Động thăm đất cũ, bái yết tổ tiên và dự hội với nhân dân địa phương để tưởng nhớ đến vị Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đền thờ Mạc Đĩnh Chi không chỉ là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa tâm linh mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho các thế hệ mai sau.

Nội dung bài viết được kham khảo dựa trên </br
trang Web Cộng Đồng Mạc Tộc Việt Nam và bài viết
của Thạc sỹ Mạc Xuân Kỷ – Chi Mạc Tộc Hải Dương.

Bài viết liên quan: